Mình, một cô bé 18 tuổi, vừa chuyển đến một nơi mới, và đang trải qua những năm tháng được cho là khoảng thời gian tươi trẻ nhất của một con người.
Tuổi 18 xuân xanh này, mình đang thật sự trải qua những gì?
Cách đây tròn 1 tháng, mình chuyển vào Sài Gòn, nơi mình sẽ gắn bó 4 năm đại học sắp tới. Mình đang dần dần (thật ra là vật lộn từng ngày) để theo được nhịp độ sống và học tập tại đây. Từng ngày, mình đi qua một chuỗi hoạt động từ việc tự thức dậy trước 6h30 sáng, đi học ở trường, làm bài tập, làm việc dự án, dạy kèm, tự lo ăn uống, tự chăm sóc bản thân khi ốm và rồi ngày mai thức dậy với một vòng lặp như vậy. Với rất nhiều thứ đi kèm chữ "tự" ở đầu khi xa bố mẹ, mình cũng gặp những khó khăn nhất định và cũng tự biết cách xoay sở để giải quyết nó. Đương nhiên mình vẫn cần sự hỗ trợ của bố mẹ từ xa không chỉ về mặt tài chính (như phí sinh hoạt) mà còn về mặt tinh thần rất lớn. Mình nhớ bố mẹ và em rất nhiều nên 2 tuần đầu tiên ngày nào cũng phải call video (bây giờ thì giảm xuống 1 tuần vài lần rồi).
Đến với môi trường mới, mình cảm nhận được không ít những áp lực mới. Cụ thể hơn, những áp lực mới bao gồm áp lực trong một lớp học ở đại học, áp lực trong công việc, áp lực phải cố gắng độc lập mọi mặt và đặc biệt về mặt tài chính. Chung quy lại có lẽ mình sẽ gọi chúng là áp lực "tự thân". Áp lực tuổi 18, tuổi trưởng thành, mình phải độc lập. Bên cạnh đó, mình cũng thấy nhiều sự không chắc chắn cho những kế hoạch và mục tiêu mình đã dựng nên.
Cách đây vài ngày, mình nhận ra một thứ khá hài hước. Đó là, mình đang nhìn thành quả ở hiện tại của một người hơn mình ít nhất 4,5 tuổi để cố gắng đạt được nó trong vòng 1 năm tới. Nghe mỉa mai nhỉ?
Trước khi vào Nam, khi tham gia một trại hè giáo dục tại Thanh Hóa, một người chị đã nói lại cho mình một câu đã khiến chị thật sự thay đổi nhiều điều trong các kế hoạch của mình. Chị khiến mình tò mò, và lúc đấy mình đang ngồi khóc tức tưởi vì kiệt sức với học tập và công việc. Chị nói ra câu đó khiến mình rơi vào khoảng lặng. Mình xin trích nguyên văn câu nói của người đó:
Chị thấy mấy đứa sống cứ như 25 tuổi mấy đứa sẽ chết vậy.
Nghe sao đau đớn đến thế?
Mình đã nhạy cảm khi nghe đến từ "chết" và đặc biệt ở độ tuổi quá sớm là 25. Lúc đấy nghe xong, mình rũ hết việc ngày hôm đó và thả lỏng bản thân. Và từ sau hôm đấy, khi làm việc mệt, mình sẽ hay tự nói với bản thân: "Hôm nay dừng lại thôi, không 25 tuổi chết mất!". Tại thời điểm đó mình nghĩ đơn gian lắm. Mình hiểu câu đó theo kiểu tham vọng vừa thôi, làm việc vừa thôi, phải lo cho sức khỏe thì mới né được "cái chết sớm" đấy.
Nhưng qua việc phản tư các sự kiện diễn ra trong mấy tháng vừa qua, liên kết chúng lại với nhau, mình đã nghĩ sâu và rộng hơn.
Thật ra, cách đây 3 ngày, ngồi phản tư về những gì mình trải qua trong 1 tháng tại Sài Gòn, mình mới thấm câu đấy và thấy nó cũng liên quan tới một số điều mình mới nhận ra được trong cuộc sống ở thành phố hoa lệ này. Như mình có đề cập đến ở trên, mình bước tiếp từng ngày chỉ dựa vào việc nhìn vào những thành tựu của anh chị đi trước, những người không phải chỉ hơn mình về tuổi đời mà còn về cả kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và trải nghiệm sống. Mình đã không thật sự tập trung vào những gì bản thân mình mạnh để phát huy và bỏ quên những khiếm khuyết mình cần cải thiện.
Nhận ra vấn đề, mình đã quay lại với bản thân mình nhiều hơn. Mình tập trung tìm kiếm những cơ hội nơi điểm mạnh của mình được phát huy và lên kế hoạch tự học, tự cải thiện những điều mà bản thân còn thiếu sót. Mình nhận ra đặt mục tiêu "bắt buộc" phải có sự ưu tiên, ưu tiên để thật sự gặt hái kết quả như mong muốn. Nhưng mình cũng đã hiểu ra rằng, kỳ vọng cao cho một điều (có thể ngang tham vọng lớn) cũng chẳng khác có nhiều kỳ vọng nhỏ cùng một khoảng thời gian giới hạn. Chúng bóc lột sức của chính mình như nhau nhưng tệ hơn hết là, con đường thứ 2 khiến mình vừa mệt vừa không đạt được nhiều điều như con đường thứ nhất.
Và đi đường dài với con người, không phải công việc, không phải tài chính hay không phải bất cứ một deadline nào đang cần hoàn thành gấp. Thứ mình nghĩ sẽ đồng hành với mình đến khi mình thật sự không còn tồn tại nữa chính là sức khỏe. Vậy nên, mình đã dành đến hơn 50% kế hoạch cá nhân cho những điều mang tới cho mình một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui khỏe mỗi ngày.
Cuối cùng, mình thiết nghĩ, hình mẫu lí tưởng của chũng ta không cần là một người lỗi lạc nào đó để theo đuổi đâu. Bởi mình tìm được một hình mẫu thiết thực hơn và có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với bản thân mình rồi. Hình mẫu đó sẽ là "chính mình", vẫn là cô bé 18 tuổi ngày hôm nay nhưng sẽ đang "thật sự" sống ở 1, 2, 3, ... năm tới, với một cơ thể khỏe mạnh, sống yêu thương và biết mỉm cười chấp nhận mọi điều xảy đến.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#vietdeuvahay #wotn